Những tổn thương ở khoang miệng không chỉ cản trở quá trình tiêu hóa thức ăn mà còn ảnh hưởng tới sức đề kháng, tinh thần cũng như chất lượng cuộc sống của người cao tuổi.
Theo thời gian, sức khỏe răng miệng của người già ngày một giảm sút. Hàng loạt các vấn đề về răng lợi như lão hóa răng, thoái hóa niêm mạc miệng, khô miệng, răng đổi màu, lung lay, viêm nha chu sẽ đồng loạt xuất hiện… gây đau nhức, cản trở sinh hoạt của người già.
Sâu răng, làm mủ chân răng rất thường gặp ở người lớn tuổi. Sự nhạy cảm còn làm cho vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn. Với tuổi tác, nướu răng teo lại làm lộ ra phần chân răng không có men răng bảo vệ. Những vùng răng này có thể rất nhạy cảm, dễ bị đau khi bạn ăn uống thức ăn thức uống quá nóng hay quá lạnh, hoặc quá chua hay quá ngọt.
Không chỉ vậy, việc sử dụng đồng thời nhiều loại thuốc cũng làm sức đề kháng của người cao tuổi giảm sút, làm nặng thêm các bệnh về răng miệng. Trầm trọng hơn có người còn bị ung thư miệng, ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng.
Để duy trì sức khỏe và hạn chế tối đa những bệnh lý nha khoa, người cao tuổi cần lưu ý những vấn đề dưới đây:
Cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể
Để có một cơ thể khỏe mạnh và hàm răng chắc khỏe, mỗi người nhất là người cao tuổi phải được cung cấp đầy đủ bốn dưỡng chất là chất đạm, chất béo, vitamin và các loại muối khoáng qua chế độ ăn hàng ngày. Trong bữa ăn hàng này nên có sự góp mặt của những loại thực phẩm như tôm, cua, thịt bò, đậu phụ, dầu thực vật, các loại rau xanh, trái cây...
Các chuyên gia nha khoa khuyên người cao tuổi nên ăn trái cây tươi thay cho bánh ngọt vì đường và bột rất dễ bám lại trên bề mặt răng gây sâu răng, lâu ngày sẽ bào mòn men răng, làm lộ ngà răng...
Thời điểm ăn trái cây tươi tốt nhất là trước bữa ăn chính 1 giờ, vì chúng là đồ ăn sống. Việc ăn đồ sống trước khi ăn đồ chín sẽ giúp tránh các phản ứng tăng bạch cầu, bảo vệ hệ thống miễn dịch của cơ thể.
Người cao tuổi thường ăn ít và ăn làm nhiều bữa. Sau mỗi lần ăn, phải súc miệng và chải răng ngay, không để thức ăn lưu lại trên răng và lợi, tạo điều kiện cho vi khuẩn có sẵn trong miệng lên men, tạo ra chất axít phá hủy men răng, dẫn đến sâu răng.
Chăm sóc răng lợi tận gốc bằng dược liệu
Sử dụng dược liệu để chăm sóc và trị bệnh răng miệng chính là phương pháp được cha ông ta áp dụng từ lâu nay.
Những người bị chảy máu chân răng có thể sắc nước hoa hòe để xúc miệng hàng ngày vì vị thuốc này có tác dụng cầm máu, kháng viêm rất tốt.
Ngậm nước trà xanh và mật ong giúp điều trị viêm lợi và những vết loét hiệu quả.
Người cao tuổi cũng có thể ngâm rượu cau để chữa bệnh sâu răng, viêm lợi.
Bên cạnh các bài thuốc dân gian, các chuyên gia nha khoa còn khuyên người cao tuổi nên đánh răng hàng ngày với kem đánh răng dược liệu để việc chăm sóc răng miệng được đơn giản và liên tục hơn.
Đi khám răng định kỳ
Răng miệng là cửa ngõ của bộ máy tiêu hóa, nếu không được chăm sóc tốt sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe toàn thân. Trong đó, các bệnh về lợi ở người già có thể dẫn đến bệnh viêm nha chu, ung thư niêm mạc miệng. Nguy hiểm hơn, cả hai bệnh trên đều tiến triển rất âm thầm khiến người cao tuổi khó phát hiện sớm bệnh.
Để nắm rõ tình trạng răng lợi, người cao tuổi nên đi khám răng định kỳ 3-6 tháng một lần dù còn hay mất răng.
Người lớn tuổi thường cần đến răng giả. Trong trường hợp này, bạn cần chăm sóc chúng thật đặc biệt. Nên theo đúng các hướng dẫn của thầy thuốc. Người mang răng giả lâu dài cần được kiểm tra hàng năm.
Các bệnh về nướu thường có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng đặc biệt nghiêm trọng ở tuổi trên 40. Có một số nguyên nhân có thể làm cho bệnh trở nên trầm trọng hơn như: dinh dưỡng kém, bị các bệnh như tiểu đường, tim mạch và ung thư. Những yếu tố như hút thuốc, stress, một số loại thuốc... cũng có thể ảnh hưởng đến tình trạng của nướu. Các tổn thương nướu có thể chữa được, vì vậy bạn cần quan tâm phát hiện sớm. Tốt nhất là nên giữ vệ sinh răng miệng kỹ lưỡng. Nếu răng lợi không may gặp vấn đề, các chuyên gia sẽ đưa ra những lời khuyên hữu ích cùng phác đồ điều trị hợp lý giúp bệnh nhân nhanh chóng thoát khỏi sự phiền phức của bệnh tật. Các bệnh thường gặp ở tuổi già như tiểu đường, tim mạch, ung thư... cũng có ảnh hưởng đến răng miệng. Vì vậy bạn cần cho các nha sĩ biết những bệnh bạn đang mắc phải để họ có thể chỉ dẫn bạn chính xác hơn.